Thầy giáo, theo cách hiểu phổ cập là danh từ dùng để chỉ những con người đáng kính nể cả về học thức lẫn cách sống, những người ngày ngày đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò trong trường lớp, những người gắn bó cả đời với dạy học, nghề nghiệp không hẳn đã “cao” nhưng luôn “quý” trong mọi thời đại, mọi tầng lớp xã hội.
Và mở rộng ra, chúng ta có những người thầy trong thể thao, các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm tập luyện, thi đấu đỉnh cao khi đã có tuổi trở thành người thầy dạy dỗ lớp vận động viên trẻ tuổi. Tre già măng mọc, quy luật từ xưa đã vậy, liệu có lớp măng nào vươn lên mạnh mẽ và thành công nếu không được lớp tre dày dặn kia chở che, dạy dỗ.
Quả ngọt thực sự cho những người thày là thành công của học trò trên đường đời.
Và nếu bỏ qua những chuẩn mực khắt khe, chỉ nhìn nhận và suy nghĩ theo cách đơn giản nhất thì có… hàng ngàn những “người thầy” như vậy. Trong thế giới Thể thao điện tử (eSports) vẫn có những hard-core (người chơi chuyên sâu) sẵn sàng hướng dẫn, bảo ban và khuyến khích cho các game thủ trẻ tuổi mới nhập môn làm nên điều kỳ diệu.
Đặt vấn đề bạn hoàn toàn là một newbie eSports, bắt đầu lững chững tìm hiểu về cộng đồng game của mình. Tuy nhiên, ngay khi đã tìm được một loạt các bài hướng dẫn, kinh nghiệm về đủ loại kỹ thuật, chiến thuật trên mạng, bạn sẽ như bị lạc vào một ma trận không lối thoát vì chẳng biết được nên bắt đầu “luyện” từ ngón nào trước, cũng chẳng biết trong số hàng trăm bài guide ấy đâu mới là cái đáng để đọc.
Và lúc này thì vai trò của “người thầy’ là quan trọng hơn cả. Chỉ cần “kiếm” được một hardcore trong cộng đồng, bắt chuyện và thể hiện rõ được tâm huyết và quyết tâm của mình, anh ta sẽ chỉ dạy cho bạn đường đi nước bước cách làm thế nào để “go pro” đúng hướng trong thời gian nhanh nhất có thể dựa trên chính kinh nghiệm bản thân đã kinh qua.
Đội ngũ BHL của DTQG eSports Việt Nam vừa rồi đều xuất thân từ những game thủ thành danh.
eSports là một bộ môn còn rất non trẻ nếu so sánh với các môn thể thao truyền thống khác, chúng ta chưa có một trường lớp đào tạo vận động viên, huấn luyện viên nào từ cơ bản.
Ngay tại Asian Indoor Games 3rd vừa rồi, đội ngũ ban huấn luyện của tuyển Việt Nam nhìn lại cũng đều là những game thủ nổi danh một thời như Dương Vi Khoa (Counter Strike), Nguyễn Quốc Bảo (Counter Strike) hay Phạm Văn Thành (FIFA).
TKKG với chức vô địch One Asia Cup 2009.
“4EVE.TKKG” Trần Minh Khôi, một trong những game thủ nổi bật nhất của FIFA Việt Nam trong năm 2009 vừa rồi với chức vô địch Châu Á tại One Asia Cup (Singapore) và hạng 3 WCG Việt Nam cho biết: “Người thầy đầu tiên đã dìu dắt mình trên con đường trở thành một game thủ FIFA giỏi từ năm 2007 là anh Thắng “gà” (4EVE.Thang14k – một trong những thành viên gạo cội của diễn đàn fifavn), anh Thắng đã giúp đỡ mình rất nhiều trong việc gia nhập team 4EVE và quá trình tập luyện thi đấu. Một năm sau đó,, thành viên team mình nghỉ chơi khá nhiều nên mình càng phải có trách nhiệm hơn để vực dậy team”.
Khôi chia sẻ thêm bạn cũng rất chú ý đến việc “ngắm nghía” và học tập chiến thuật từ các cao thủ FIFA trong và ngoài nước. Với phiên bản FIFA09 vừa rồi, những người có ảnh hưởng lớn nhất đến lối đá của Khôi là FIFAKILLER, đàn anh L2vn và LastNight – game thủ FIFA từng vô địch Châu Âu năm 2008.
Với Counter Strike, một trong những bộ môn eSports được yêu thích nhất tại Việt Nam, chúng ta cùng đến thăm “Q9.Spirit” Nguyễn Kim Long – admin diễn đàn iGame, “đại bản doanh” của cộng đồng người chơi FPS Việt.
Tuy không giành được những danh hiệu nổi bật cấp quốc gia cùng với đội game Q9 của mình, nhưng Spirit vãn được coi là một biểu tượng lớn của giới Counter Strike vì những đóng góp không ngừng nghỉ của anh cho cộng đồng Thể thao điện tử nói chung và một lớp “nền” về kỹ chiến thuật dày dặn tích lũy được sau những năm tháng thi đấu đỉnh cao. Bản thân anh cũng đã viết ra Spirit Mini Guide – bộ guide được đánh giá là chuẩn mực cho các lớp newbie sau này học hỏi kinh nghiệm.
Q9.Spirit những ngày còn thi đấu đỉnh cao.
Tuy đã đạt đến trình độ có thể “dạy người”, nhưng Spirit vẫn thể hiện rất rõ sự trân trọng dành cho người “sư phụ” dạy anh cách sử dụng AWP – khẩu súng đã làm nên tên tuổi cho rất nhiều game thủ Counter Strike nổi tiếng toàn thế giới. Trong bản guide về AWP, Spirit viết: “Spirit là đệ tử của 4zA, Spirit nhìn nhận khả năng và thực sự nể phục anh vì với tuổi tác cũng như công việc của anh mà anh vẫn có thể có được trìnnh độ như vậy. Spirit không mong các bạn xem mình là sư phụ như mình đã xem anh 4zA như thế, nhưng hy vọng các bạn ghi nhớ giùm nguồn gốc của bài viết này”.
Trở lại với StarCraft, bộ môn chiến thuật kinh điển hơn 10 năm tuổi và làm quen với “proA.Nexttime” Nguyễn Mai Trung – á quân World Cyber Games 2009 Việt Nam, chúng ta cùng nghe cậu bạn sinh năm 1990 này kể về những kiến thức đầu tiên được “người thầy” DJzerg của mình chỉ dạy:
“Khi mới bắt đầu chơi StarCraft, chẳng ai quan tâm đến việc phải sử dụng một bộ đồ “gear” riêng hay cụ thể ở đây là chuột thế nào cả, và tôi cũng nằm trong số đó. Có một lần đánh team, khi nhìn thấy anh DjZerg (người thầy đầu tiên của tôi, người đã giúp tôi rất nhiều về mặt chiến thuật cũng như lối đánh) dùng một con chuột lạ, tôi đã cảm thấy rất tò mò và hỏi thì mới biết đó là con chuột Logitech G1, con chuột được nhiều Progamers Hàn Quốc sử dụng. Khi cầm thử mới biết, nó khác xa những con mouse trước mà tôi đã từng sử dụng.
proA.Nexttime gặt hái thành công với xuất phát điểm là chiếc Logitech G1 ngày nào.
Sau khi lên mạng tìm hiểu, tôi quyết tâm sẽ mua bằng được nó mặc dù biết rằng với cái giá 38$ (tương đương 570.000 VND) hồi đấy là quá lớn so với 1 học sinh cấp 3. Nhưng sau một thời gian tiết kiệm, tôi cũng sở hữu một “chú” G1 cho riêng mình. Mang về nhà đánh thử trận đầu tiên, cảm giác thật lạ. Nhiều pha micro mà tôi cũng không tin vào chính mình, G1 đã tỏ ra là một chú chuột thích hợp với tôi, có lẽ những điều kì diệu đó cũng có một phần cảm giác từ con mouse này”. (Trích ESVN)
Bạn có hiểu được cảm giác của những “người thầy” này khi “học trò” của họ thắng trận?
Tất cả những game thủ nói trên đều có tài năng và đã khẳng được vị trí cũng như tên tuổi của mình trong cộng đồng. Tuy nhiên phải chăng nếu không có Thang14k thì giờ đây TKKG vẫn chỉ là một cái tên xa lạ trong FIFA Việt Nam, nếu không có 4zA thì sẽ chẳng có Spirit tài năng viết nên bộ Mini Guide bổ ích ấy, nếu không có DJzerg thì biết đến bao giờ NextTime mới tìm ra được điều kỳ diệu trong chiếc Logitech G1 đầu tiên trong đời?
Hẳn nhiên, tôi tin rằng với mỗi game thủ eSports, các bạn đều có cho mình không chỉ một, mà có thể nhiều “người thầy” như vậy. Hãy cảm ơn vì những điều họ đã làm, đã giúp đỡ các bạn chỉ vì tâm huyết và tình yêu với bộ môn thể thao còn non trẻ này. Và cách thể hiện tốt nhất ngoài một lời cảm ơn có lẽ là việc trực tiếp gửi đến họ một lời hứa về việc chính các bạn sẽ cố gắng trở thành những “người thầy” mới trong một ngày không xa, nâng tầm chắp cánh cho các thế hệ người chơi eSports non trẻ về sau!
Nguồn: https://gamek.vn/esport/cau-chuyen-ve-nhung-nguoi-thay-trong-the-thao-dien-tu-20091119152140863.chn