Phần thưởng xứng đáng cho tài năng
Những lần đi thi đấu quốc tế của game thủ Việt chủ yếu đến từ việc họ giành thứ hạng cao các giải đấu trong nước và đương nhiên được quyền tham dự vòng chung kết thế giới. Có thể kể đến 2 cái tên điển hình là World Cyber Games (WCG) và Electronic Sports World Cup (ESWC).
Nếu như năm nào các game thủ cũng cố gắng luyện tập và chờ đến cuối mùa hè để tham dự WCG vì số tiền thưởng ấn tượng và đặc biệt là suất đi dự WCG Grand Final thì ESWC mới chỉ “ghé chân” Việt Nam năm 2005 và dành cơ hội cho các game thủ PES.
Mỗi năm, game thủ Việt đều trông chờ vào World Cyber Games để tìm cơ hội “xuất ngoại”.
Kể từ đó tới nay, số lượng game thủ Việt Nam tham gia các giải đấu thế giới ngày một tăng theo từng năm. Âu đó cũng là thành quả xứng đáng và mục tiêu hiển hiện trước mắt cho người chơi Thể thao điện tử nước ta.
Dư âm của những chuyến xuất ngoại miễn phí
Nói cho cùng thì suy nghĩ của các gương mặt đại diện cho Việt Nam vẫn mang hơi hướng coi những lần xuất ngoại này chỉ như một chuyến du lịch chứ chưa có quyết tâm và định hướng rõ ràng. Điều này cũng là dễ hiểu khi so sánh về trình độ, ngoài FIFA và DotA ra thì đại diện của Việt Nam trong những bộ môn còn lại gần như không có cửa so sánh với nhiều quốc gia khác cũng tham gia sự kiện.
Đã vậy, nếu xét đến các quốc gia mà game thủ Việt Nam đã từng được đặt chân đến như Singapore (WCG 2005), Pháp (ESWC 2005), Italia (WCG 2006) hay Mỹ và Đức các kỳ WCG năm 2007 và 2008 đều gần như là một thế giới khác so với Việt Nam.
Nếu như Singapore nổi tiếng là đất nước sạch nhất thế giới thì các thành phố cổ kính của các quốc gia Châu Âu thật sự rất cuốn hút. Ngay đến ban tổ chức địa phương các kỳ World Cyber Games cũng rất tâm lý khi luôn mở sẵn các tour du lịch đưa game thủ đi thăm thành phố của họ.
Trò chuyện cùng “TKKG” Trần Minh Khôi – game thủ được VTC tài trợ đại diện cho Việt Nam thi đấu tại One Asia Cup vừa rồi, nhà vô địch Châu Á trẻ tuổi này cho biết: “Những ngày ở Singapore thật sự rất tuyệt vời đối với em, đất nước này tươi đẹp và mến khách nên em thấy cực kỳ thoải mái với tất cả mọi thứ, trừ đồ ăn. Ban tổ chức nước họ chu đáo, luôn có xe đưa đón bọn em từ khách sạn đến khu thi đấu, khi em nhớ nhà và muốn gọi về Việt Nam cũng chính người của ban tổ chức đã mua luôn thẻ điện thoại cho em đấy chứ”.
Những nét mới trong suy nghĩ của game thủ
Thật lạ là trong tình hình nền kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng nặng nề kéo theo việc các giải đấu cũng phải giảm tiền thưởng thì các game thủ Việt Nam lại đang “giàu” hơn bao giờ hết. Bằng chứng là số lượng game thủ “xuất ngoại tự túc” ngày càng tăng trong năm 2009.
Nghĩa là họ hoàn toàn bỏ tiền túi ra để tham gia những giải đấu game bên ngoài nước ta, tuy các điểm đến mới chỉ nằm trong khu vực Châu Á để đảm bảo túi tiền không bị “vơi” đi nhiều nhưng điều đó cũng thể hiện rằng tư duy của các game thủ eSports giờ đây đã “thoáng” hơn trước kia rất nhiều.
Q9.Spirit đại diện cho Việt Nam cầm cờ tại IeSF 2008 – Hàn Quốc.
Họ sẵn sàng chấp nhận bỏ hàng trăm USD mỗi người chỉ để được tham gia và sống trong bầu không khí Thể thao điện tử chuyên nghiệp nơi xứ lạ, được gặp mặt và thi đấu tranh tài cùng các game thủ đã nổi danh trên khắp trời thế giới – những gương mặt chính họ từng mến mộ.
“Q9.Spirit” Nguyễn Kim Long, đội trưởng của team Counter Strike và Sudden Attack của Q9 Gaming chia sẻ cùng độc giả: “Chúng tôi đã tự bỏ tiền đi Malaysia và Singapore tham dự Asiasoft Game Festival 2009 vào mùa hè vừa rồi. Sing thì mọi người cũng đi nhiều rồi, khá quen thuộc nên có lẽ ấn tượng ở Malaysia hơn cả. Thường thì chúng tôi mất hơn 1 giờ để di chuyển đến địa điểm thi đấu bằng xe bus, còn thì đi taxi, tôi rất ấn tượng vì cảm giác đi taxi ở Malaysia giống như đi… xe ôm ở Việt Nam vậy”.
Mỗi lần “du đấu” là cơ hội vàng cho các game thủ Việt được mở mang tầm nhìn.
“Hơn thế nữa, tuy phải tự bỏ tiền nhưng chúng tôi có cơ hội giao lưu và làm quen với các team ở Malaysia như Choros hay FMJ, họ cũng khá thân thiện. Vì vậy, tuy không đạt được thứ hạng cao ở Malaysia nhưng đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất với chúng tôi, đặc biệt là khoảnh khắc Q9 “phục hận” trước ESP Naga, cảm xúc lúc đó thật đặc biệt”.
Bên cạnh đó, có thể kể đến việc một vài game thủ đã tự bỏ tiền túi đến tham quan vòng chung kết World Cyber Games 2009 vừa rồi tại Thành Đô, Trung Quốc vì khoảng cách địa lý rất thích hợp. Rõ ràng đã có những sự thay đổi thoáng hơn rất nhiều trong suy nghĩ của các game thủ eSports Việt Nam, họ “chịu chơi” và hứng thú hơn rất nhiều với việc được thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Cùng với sự phát triển của nền Thể thao điện tử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng ta đang ngày càng được tiếp cận với ánh sáng eSports chuyên nghiệp. Và điều đáng mừng là ngày càng xuất hiện nhiều những yếu tố thay đổi rất tích cực như vậy.